Gần 1.600 hộ nuôi tôm tại xã Tân Chánh (Cần Đước, Long An) bỗng dưng trở thành “con nợ” khi hàng triệu con tôm thả nuôi tại hàng trăm ha ao đầm bỗng…lăn đùng ra chết. 30 tỷ đồng của xã nghèo nhất huyện Cần Đước đang “bốc hơi” theo con tôm.
Suốt dọc con đường đất đỏ lồi lõm, bụi bay mù trời gần 10km dẫn vào trung tâm xã Tân Chánh, các đầm tôm chạy dọc hai bên đường đều phủ một màu vôi trắng toát. Hàng loạt hệ thống máy tạo khí cho tôm đặt giữa đầm đều nằm im lìm bất động trơ mình giữa cái nắng nóng gay gắt. Tất cả đều ngưng trệ, các đầm tôm cũng vắng bặt bóng dáng nông dân vì hàng triệu con tôm thả nuôi gần như đã chết sạch.
Dẫn PV NNVN đi một vòng xung quanh các đầm tôm, ông Dương Ngọc Hùng – phụ trách khuyến nông xã Tân Chánh buồn u uất: “Trong số 800 ha diện tích thả nuôi toàn xã thì có tới 600 ha tôm đã chết, số còn lại chắc cũng chỉ trụ thêm ít ngày nữa thôi. Tình hình bi đát lắm!”. Tại đầm tôm rộng 3.000 m2 của nông dân Hồ Văn Diện (ấp Đông Nhì), chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh vợ chồng anh đang buồn bã tháo nước ra khỏi đầm để cố “gỡ gạc” số ít tôm còn lại đang ngắc ngoải chờ chết. Vợ anh Diện cho biết, đầm tôm thả nuôi 85% tôm sú, 15% tôm thẻ, nhưng ngay sau tết khi tôm được một tháng tuổi thì hiện tượng chết rải rác bắt đầu xuất hiện. “Hai tuần sau đó tôm chết rất nhanh không rõ nguyên nhân và đến nay thì gần như chẳng còn con nào”.
Sau gần chục năm bước vào nghề nuôi tôm, đây là vụ “đắng” nhất mà gia đình anh Diện gặp phải khi nguồn thu chính của gia đình bị chết chìm dưới ao, đồng thời số tiền vay mượn gần 20 triệu đồng đầu tư cho đầm tôm cũng “bốc hơi” theo số phận con tôm. Cũng thiệt hại nặng như anh Diện, hộ nông dân Trần Văn Dẫu (ấp Lăng) cũng mất trắng 1 ha nuôi tôm ngay sau mấy ngày nghỉ tết. Kế đó, hộ nông dân Đỗ Thị Muông (ấp Lăng) cũng thiệt hại 100% số tôm trên diện tích 0,75ha.
Trong suốt 17 năm kể từ phong trào xã Tân Chánh chuyển từ trồng lúa nước sang nuôi trồng thủy sản, thì đây là vụ tôm đau buồn nhất. Cả xã những ngày này u ám như có tang. Ông Dương Ngọc Hùng cho biết, cơn “địa chấn” dịch bệnh năm 2008 “khai tử” 60% diện tích nuôi tôm ở đây đã bị bỏ xa khi hiện tại mới đầu vụ tôm 2010 đã có gần 80% diện tích bị “khai tử”.
Ngay cả “kiện tướng” nuôi tôm hàng đầu xã Tân Chánh là nông dân Hồ Văn Tiện (ấp Đông Nhì) cũng phờ phạc, mất ăn mất ngủ khi hơn 1 triệu con tôm giống thả nuôi tại 2,2 ha lăn đùng ra chết. Ông Tiện khẳng định đầm tôm của mình được vệ sinh rất sạch sẽ trước khi thả nuôi, tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ, giống được lựa chọn kỹ càng nhưng cũng không thể thoát nạn. “Trước đây tôm chết thường rải rác kéo dài, nhưng lần này chúng chết rất nhanh, chỉ trong vòng vài ngày gần như cả đầm tôm bị mất trắng. Tôm thì chết hết, giờ lo nhất số tiền mấy chục triệu tôi vay ngân hàng không biết trả ra sao!” – ông Tiện mếu máo nói.
Không chỉ những “kiện tướng” nuôi tôm bị đánh gục phải ôm “cục nợ” lớn, ngay cả cán bộ khuyến nông vững vàng chuyên môn và kinh nghiệm đầy người như ông Dương Ngọc Hùng cũng mất trắng gần 30 triệu đồng tại 1 ha nuôi tôm của gia đình. Theo ông Hùng, trước đây tôm chết chủ yếu do bệnh đốm trắng, nhưng năm nay ngay cả tôm không bệnh cũng chết. Đơn cử như trường hợp của nông dân Hồ Văn Tiện, khi 1 triệu con tôm trong đầm ồ ạt chết đã tức tốc cho kiểm tra thì phát hiện tôm không hề bị bệnh.