NGUYÊN NHÂN:
Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm mãn tính của nhiều loài động vật và người, bệnh do vi khuẩn lao Mycobacterium tubercula. Bệnh thường xảy ra ở trâu bò nuôi lấy sữa với các bệnh tích đặc biệt (các hạt lao) trong phổi và các phủ tạng khác. Vi khuẩn lao có 4 chủng chính có thể lây chéo với nhau từ loài động vật này sang loài động vật khác. Vi khuẩn lao có trong mủ, dịch bài tiết, nước tiểu, sữa, phân gia súc bệnh và lây truyền qua đường hô hấp hoặc tiêu hóa.
TRIỆU CHỨNG:
- Lao phổi: Biểu hiện rõ nhất là ho khan, ho từng cơn. Gia súc bệnh gầy sút nhanh, lông dựng đứng, da khô, mất khả năng sinh sản. Bệnh nặng có thể ho ra máu.
- Lao hạch: Hạch sưng cứng, sờ thấy lổn ngổn, cắt hạch ra thấy hiện tượng bã đậu. Các hạch hay bị lao là hạch trước vai, hạch trước đùi, hạch dưới hàm và hạch trước tuyến tai. Hạch ruột bị lao thường làm cho con vật rối loạn tiêu hóa. Hạch lao ở sát dây thần kinh tứ chi có thể làm con vật đi lại khó khăn hoặc bị què.
- Lao vú : Thường xảy ra ở trâu, bò, dê cái lấy sữa. Sự phát triển của vi khuẩn lao trong tuyến sữa làm cho bầu vú, núm vú bị biến dạng, sờ vào có thể thấy hạt lao lổn ngổn. Chùm hạch vú bị sưng to, cứng và nổi cục.
- Lao ruột : vật bệnh tiêu chảy dai dẳng, phân tanh khẳm, hết đợt tiêu chảy phân lại táo bón, làm cho con vật gầy dần, đôi khi con vật còn bị chướng hơi dạ cỏ.
Bệnh tích
Các hạt lao thể hiện rõ ở phổi, màng treo ruột và đôi khi có ở cơ bắp. Nếu hạt lao có nhiều trong phổi khi nắn các thuỳ phổi ta có cảm giác như phổi có trộn cát, cắt ra có tiếng lạo xạo. Dần dần các hạt thoái hóa biến thành chất bã đậu có màu vàng hay trắng đục. Hạt lao có thể vỡ ra, nếu không vỡ thì tổ chức xung quanh hạt tăng sinh và tạo thành hạt xơ.
Các hạt lao lớn dần có khi bằng quả táo hay quả ổi. Hạt có khuynh hướng bã đậu hóa, canxi hóa, thành khối tăng sinh thượng bì.
Tùy thuộc vào sự phát triển của bệnh, các bệnh tích bã đậu có thể thuần nhất trên một cơ quan. Trên thực tế cùng một cơ quan có thể thấy nhiều dạng bệnh tích khác nhau.
PHÒNG BỆNH:
Phòng bệnh bằng vaccin B.C.G (Bacterium Calmetla Guerin), tiêm vào lúc 15 ngày tuổi. Tuy nhiên hiện nay người ta ít dùng vì làm trở ngại cho việc chẩn đoán bệnh lao. Biện pháp chủ yếu là phòng bệnh bằng vệ sinh chăm sóc.
- Thực hiện phản ứng dò lao Tuberculin test để phát hiện gia súc bệnh, nếu gia súc bị lao thì phải loại thải để tránh lây nhiễm cho gia súc khỏe trong đàn.
- Định kỳ tổng vệ sinh chuồng trại bằng các loại thuốc sát trùng như: Vime-Protex, Vime-iodin hoặc Vimekon 15 ngày/lần.
- Tăng cường nuôi dưỡng và chăm sóc tốt gia súc để nâng cao thể trạng và sức đề kháng đối với bệnh.
ĐIỀU TRỊ:
Có thể điều trị gia súc bị lao bằng kháng sinh kết hợp với chăm sóc bồi dưỡng. Nhưng trong thực tế, khi phát hiện gia súc bị lao thì nên loại để tránh lây nhiễm trong đàn.
Bài viết cùng chuyên mục
Online | 9 |
Tổng truy cập: | 1001906 |