Ngày 22/2, sau khi nhận được thông tin đàn lợn 35 con của gia đình ông Vũ Văn Đạt ở xã Chính Mỹ (Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) chết bất thường, có biểu hiện của bệnh dịch tả lợn châu Phi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, FAO và nhà chức trách Hải Phòng đã về chỉ đạo xử lý.
Năm mẫu huyết thanh và phủ tạng lợn chết được lấy để xét nghiệm, kết quả ba mẫu (một huyết thanh và hai phủ tạng) dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Thú Y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết xét nghiệm có mầm bệnh giống ở Thái Bình và Hưng Yên.
Xác định đây là ổ dịch đầu tiên tại Hải Phòng, nhà chức trách đã khoanh vùng, phun thuốc khử trùng, tiêu độc và tiêu hủy toàn bộ số lợn nhiễm bệnh bằng cách chôn lấp.
Ngày 25/2, ông Lưu Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Yên Định (Thanh Hóa) cho biết hai ngày trước một số lợn bị ốm, chết bất thường tại trang trại của gia đình ông Lê Văn Thanh ở xã Định Long. Kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu huyết thanh và phủ tạng lợn chết dương tính với bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Ngay sau đó, 230 con lợn của gia đình ông Thanh bị tiêu hủy nhằm tránh lây lan sang khu vực lân cận. Nhà chức trách công bố ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên xuất hiện trên địa bàn Thanh Hóa.
Nhằm ngăn chặn dịch bùng phát, chính quyền địa phương lập các chốt chặn 24/24h trên một số tuyến đường chính; nghiêm cấm để lợn di chuyển ra vào thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long; tiến hành việc phun hóa chất tiêu độc, khử trùng. UBND tỉnh Thanh Hóa đã phát công điện khẩn yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo ngăn chặn, xử lý dịch bệnh.
Trước khi xuất hiện tại Hải Phòng và Thanh Hóa, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.
Nguồn: Tạp chí chăn nuôi
Bài viết cùng chuyên mục
Online | 9 |
Tổng truy cập: | 1001975 |