Ông Vũ Chung Cơ, chủ đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi tại thị trấn Đu, cho biết: Tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, các công ty thức ăn chăn nuôi đã thông báo tăng giá 6 lần. Mỗi lần tăng từ 8 - 12 nghìn đồng/bao. Nguyên nhân khiến giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng là do phần lớn nguyên liệu để sản xuất cám đều phải nhập khẩu. Ngoài ra, giá nhiên liệu tăng cao, tác động của tình hình dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng đến giá thức ăn chăn nuôi cung ứng trên thị trường.
Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, chi phí thức ăn chiếm 65 - 70% giá thành sản xuất. Trong khi đó, hiện nay, phần lớn các hộ sử dụng thức ăn công nghiệp cho đàn vật nuôi. Việc giá thức ăn chăn nuôi tăng cao sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận thu được, bởi thế, nhiều hộ, cơ sở chăn nuôi đã chủ động thực hiện các phương án thích ứng phù hợp.
Việc ký kết giá cám ngay từ khi vào đàn giúp cơ sở chăn nuôi của ông Quách Thành Chinh, xóm Bầu 2, xã Phấn Mễ không phải lo lắng khi giá cám liên tục biến động, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Giải pháp được khá nhiều hộ dân lựa chọn là chăn nuôi cầm chừng, thận trọng tăng đàn, đồng thời, chuyển sang nuôi gia súc, gia cầm sử dụng ít thức ăn chăn nuôi công nghiệp hơn. Anh Đinh Văn Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Đồng Tâm (xã Động Đạt), cho hay: Trước năm 2021, Hợp tác xã nuôi khoảng 60 con trâu, bò; 10 nghìn con gà và khoảng 30 con dê. Tính ra một năm, đàn vật nuôi tiêu thụ khoảng 60 tấn thức ăn công nghiệp. Từ đầu năm 2021, khi giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục, chúng tôi đã giảm 70% đàn gà và 50% số lượng trâu, bò; tăng số lượng con dê lên 20%. Bởi dê là vật nuôi chủ yếu sử dụng thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó,Hợp tác xã cũng tăng cường phối trộn thức ăn từ các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có và nuôi giun quế làm thức ăn cho gà. Việc thay đổi cách thức chăn nuôi đã giúp hoạt động của Hợp tác xã được duy trì ổn định. Không chỉ vậy, khi sử dụng thức ăn có thành phần hữu cơ cũng giúp chất lượng sản phẩm vật nuôi được nâng lên.
Ngoài các giải pháp trên, thời điểm vừa qua, nhiều cơ sở, trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện Phú Lương còn ký thỏa thuận giá cám theo từng lứa vật nuôi với doanh nghiệp cung cấp giống, vật tư nông nghiệp. Thông qua đó, người chăn nuôi sẽ không phải “chạy theo” giá cám từ khi nhập đến khi xuất bán đàn vật nuôi.
Đơn cử như trang trại chăn nuôi gà trắng của ông Quách Thành Chinh, xóm Bầu 2, xã Phấn Mễ. Ông Chinh chia sẻ: Tôi phải sử dụng 100% cám công nghiệp để đảm bảo thời gian sinh trưởng, chế độ dinh dưỡng của đàn gà theo quy trình. Hiện, trung bình mỗi lứa, tôi nhập khoảng 2.000 gà giống. Mỗi lứa sử dụng 3 loại cám với khối lượng tiêu thụ khoảng 12 tấn. Trước tình hình giá cám tăng liên tục, trong khi khối lượng cần sử dụng lại lớn, từ đầu năm nay, tôi đã làm việc với doanh nghiệp chuyên cung cấp giống gà và thức ăn chăn nuôi để ký thỏa thuận giá nhập cám loại 1, 2 và 3 theo từng lứa ngay từ khi vào đàn. Nhờ vậy, dù giá cám tăng trong quá trình nuôi lứa gà đó thì tôi vẫn được nhập theo giá cũ như thỏa thuận. Với cách làm này, tôi sẽ tính toán được chi phí sản xuất phù hợp để đảm bảo gà xuất bán vẫn có lãi.
Theo khuyến nghị của cơ quan Nông nghiệp huyện Phú Lương, dự kiến thời gian tới, giá thức ăn chăn nuôi vẫn có thể tiếp tục tăng. Chính vì vậy, mặc dù giá thịt lợn và gà thịt hiện đang có xu hướng tăng nhưng cơ quan chức năng vẫn khuyến cáo người dân cần thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình thị trường để có phương án tăng đàn và sản xuất phù hợp, tránh thua lỗ; lựa chọn các công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi uy tín, chất lượng. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cũng cần tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để kiểm soát dịch bệnh có thể phát sinh trên đàn vật nuôi, hạn chế tối đa các tổn thất về kinh tế…
Bài viết cùng chuyên mục
Online | 10 |
Tổng truy cập: | 1001874 |