08/12/2018.09:52
- Hiện nay, toàn quốc có 6 ổ dịch lở mồm long móng trên lợn đều tập trung tại Hà Nội, cụ thể tại 6 xã gồm: Cam Thượng, Đông Quang, Chu Minh, Phú Phương, Cẩm Lĩnh và Vật Lại (huyện Ba Vì, Hà Nội).
Trước thông tin về việc, tại các huyện Ba Vì, Hoài Đức (Hà Nội) lợn bị mắc dịch bệnh "lạ”, tự bỏ ăn mấy ngày rồi chết. Để xác minh sự việc này, ngày 6/12/2018, Cục Thú y đã chỉ đạo Chi cục Thú y vùng I cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với Chi cục Thú y thành phố Hà Nội đến các địa phương của huyện Hòa Đức, Ba Vì để kiểm tra.
Theo báo cáo của Trạm Thú y huyện Ba Vì, từ ngày 8/11 đến 5/12, đã có 261 con lợn của 19 hộ tại 6 xã của huyện Ba Vì bị bệnh lở mồm long móng. Các cơ quan của địa phương đã tiến hành tiêu hủy 268 con gia súc, tổ chức chống dịch như: Tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng bằng hóa chất và sử dụng vôi bột tại các xã có dịch; tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch cho 12.275 con lợn. Hiện nay, cả nước có 6 ổ dịch LMLM tại 6 xã gồm: Cam Thượng, Đông Quang, Chu Minh, Phú Phương, Cẩm Lĩnh và Vật Lại thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Huy Đăng cho biết: Qua kiểm tra cho thấy một số hộ chăn nuôi lợn không tiêm vắcxin lở mồm long móng nên lợn bị xuất hiện dấu hiệu nghi bệnh nghi lở mồm long móng. Tuy nhiên, bệnh đã được phát hiện sớm và khống chế. Các huyện, xã và cơ quan chuyên môn trên địa bàn đã khống chế được dịch bệnh, không để lây lan trên địa bàn nên chưa công bố dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y.
Theo cảnh báo của Cục Thú y, nguy cơ phát sinh các ổ dịch trên đàn gia súc chưa được tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng hoặc đàn gia súc khỏe mạnh được vận chuyển đến vùng có ổ dịch cũ là rất cao. Các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để, đặc biệt các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc, xóa đói giảm nghèo cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng.
Kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch; đồng thời căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông báo của Cục Thú y về lưu hành vi rút lở mồm long móng và khuyến cáo sử dụng vắc xin năm 2018 để tổ chức mua đúng loại vắc xin phòng, chống dịch nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Đối với bệnh tai xanh trên đàn lợn, trong thời gian tới, có thể xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ trên địa bàn có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao. Các địa phương cần tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, phát hiện sớm ổ dịch.
Thực hiện nghiêm các qui định về kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn, tăng cường kiểm soát giết mổ lợn, chủ động ngăn chặn dịch phát sinh và lây lan. Đồng thời căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông báo của Cục Thú y về lưu hành virus tai xanh và hướng dẫn sử dụng vắcxin năm 2017 để tổ chức mua đúng loại vắcxin phòng, chống dịch nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Nguồn tin: Thương hiệu & Pháp luật