Lượng tiêu thụ giảm 40%
Theo Cục Chăn nuôi, đến tháng 4/2010, cả nước có 27,3 triệu con lợn tăng 3,06% so với cùng kỳ năm 2009. Ước tính mỗi tháng cả nước sản xuất và tiêu thụ khoảng 290.000-300.000 tấn thịt lợn hơi. Dự báo, tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2010 khoảng 1,77 triệu tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Song cũng từ cuối tháng 4 đến nay tại nhiều địa phương đặc biệt là Đồng bằng sông Hồng, nơi có 30% tổng đàn lợn cả nước việc tiêu thụ đang gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi tỏ ra lo ngại khi tình hình tiêu thụ và vận chuyển lưu thông lợn đang gặp khó. Sản lượng thịt tiêu thụ tại các chợ đã giảm từ 30-40% so với trước khi xảy ra dịch, kéo theo giá lợn thịt giảm còn 25.000 – 26.000 đồng/kg (giảm 15%). Tại các chợ trong nội thành Hà Nội, giá thịt mông sấn chỉ còn 59.500-60.000 đồng/kg giảm 35-40%; TP.Hồ Chí Minh còn 67.000-67.900 đồng/kg, giảm 10-15%. Chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới giá bán lợn tại các hộ chăn nuôi và trang trại hiện nay. Bình quân trước khi dịch giá bán tại trang trại là 29.000-30.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 24.000- 25.000 đồng/kg (giảm 22-24%); tại hộ gia đình nếu trước đây lên tới 24.000-25.000 đồng/kg, nay chỉ còn 17.000-18.000 đồng/kg (giảm 10 – 20%)
Tại miền Nam, mặc dù chưa xảy ra dịch tai xanh song giá lợn cũng bắt đầu có xu hướng giảm. Theo đó, giá bán lợn hơi giảm nhẹ từ đầu tháng 5 khoảng 7% so với tháng 1/2010. Hiện, giá thịt lợn tại các trang trại bán ra chỉ còn 33.000 đồng/kg, trước kia là 34.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Đức Đán, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam cho biết, Tổng công ty có 6 doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi lợn với tổng đàn 46.000 con trong đó đàn nái sinh sản là 5.700 con, mỗi tháng đơn vị xuất bán khoảng 3.500 con lợn nái. Mặc dù đến thời điểm này, 6 doanh nghiệp của Tổng Công ty hoàn toàn chưa xảy ra dịch song việc tiêu thụ đã gặp rất nhiều khó khăn Nếu tình hình này kéo dài sẽ gây sức ép về chuồng trại.
Không chỉ gặp khó do bị người tiêu dùng quay lưng, thịt lợn nội cũng đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại. Hiện, một lượng lớn thịt ngoại và các sản phẩm từ thịt lợn lại đang được nhập khẩu khá mạnh vào nước ta. 5 tháng đầu năm nay nước ta đã nhập tới trên 50.000 tấn. Đặc biệt, sau khi dịch tai xanh xảy ra, sản phẩm thịt lợn nhập khẩu lại có xu hướng tăng. Các địa chỉ nhập khẩu thịt lợn chủ yếu là châu Âu khoảng 85,9%; Mỹ 1%...
Điều này cũng đồng nghĩa với việc tiêu thụ lợn giống gặp khó. Mặc dù Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Công văn số 1429/BNN-TY ngày 17/5/2010 về kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn, song trên thực tế các trại giống vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Nhiều hộ gia đình và cơ sở chăn nuôi ngừng tái đàn; nhiều trang trại đã phải chuyển bán lợn giống thành lợn thịt.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Tại Hội nghị bàn biện pháp tiêu thụ thịt lợn vừa diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến cho việc tiêu thụ lợn thịt giảm là do thông tin thiếu chính xác, một bộ phận người tiêu dùng đã quay lưng lại với thịt lợn, khiến nhu cầu giảm. Thương lái lợi dụng tình hình dịch tai xanh đã ghìm giá mua lợn hơi để kiếm lời. Ngoài ra còn nguyên nhân quan trọng khác là việc vận chuyển lưu thông lợn thịt từ các trang trại không nhiễm bệnh cũng gặp nhiều khó khăn.
Cục Chăn nuôi dự báo, nếu không dập được dịch thì quý III tới, việc chăn nuôi lợn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa. “Nửa đầu năm đã trôi qua mà đàn lợn chỉ tăng 3,5% về sản lượng, chắc chắn ảnh hưởng đến vấn đề tăng trưởng đầu con. Và nếu việc tiêu thụ tiếp tục khó khăn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thu nhập của người chăn nuôi. Tuy nhiên, điều đáng nói với diễn biến như hiện nay sau khi dịch kết thúc giá lợn giống chắc chắn sẽ tăng lên. Theo kinh nghiệm của các năm xảy ra dịch như năm 2007 thì sau khi dịch tai xanh kết thúc, giá lợn giống đã tăng từ 10 – 15%”, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định.
Trước những khó khăn hiện nay của ngành chăn nuôi, ông Giao cho rằng cần phải đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, lập lại lòng tin cho người tiêu dùng. Về vấn đề này, ông Trần Hiển, Cục Y tế Dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) khẳng định: “Vi rút tai xanh không lây sang người. Người tiêu dùng chỉ cần ăn chín uống sôi, không ăn gỏi, tiết canh lợn và sử dụng thịt lợn bệnh”. Cùng với biện pháp này, các cơ quan quản lý cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông tiêu thụ lợn giống, lợn thịt không bị bệnh.
“Điều quan trọng nhất hiện nay là các địa phương tổ chức khôi phục chăn nuôi sau dịch cần thận trọng, tránh tư tưởng nóng vội, không tái đàn ồ ạt. Khi khôi phục chăn nuôi lợn sau dịch cần bảo đảm các điều kiện như chỉ tái đàn khi địa phương đã công bố hết dịch theo quy định; khuyến khích giết mổ có kiểm soát đàn lợn còn sống sót trong chuồng, trại đã bị nhiễm bệnh tai xanh; thu gom chất thải và xử lý theo đúng quy định. Để trống chuồng trong thời gian tối thiểu 21 ngày kể từ ngày vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, trước khi nuôi lợn trở lại hàng ngày cơ sở chăn nuôi phải được vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng liên tục trong 1 tuần; lợn đưa vào nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, được sản xuất tại các cơ sở không bị dịch… Những đàn lợn sau khi được sống sót sau dịch cần được tiêm phòng cẩn thận, đảm bảo.
Bài viết cùng chuyên mục
Online | 13 |
Tổng truy cập: | 976636 |