Chỉ sau cuộc điện thoại khoảng 30 phút, một thanh niên với chiếc sọt khá to và cồng kềnh đỗ xịch xe tại sân nhà ông H. Sau vài phút ngã giá và làm một vài động tác thuần thục, 4 con lợn ốm đã nằm yên trong sọt rồi được lặng lẽ mang đi chuẩn bị cho khâu chế biến.
Đây là cảnh người ta thu mua những con lợn chết và ốm mang về thịt, rồi sau đó… tung ra thị trường mà chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến. Và theo ghi nhận thì hiện nay tại một số địa phương, việc thu mua lợn chết, ốm đã trở thành một nghề kiếm ăn khá hốt bạc.
Giải quyết gọn chỉ sau một cú điện thoại
Mặc dù dịch lợn tai xanh mới có chiều hướng ổn định, nhưng việc thu mua lợn ốm, chết vẫn diễn ra khá công khai mà không thấy bóng dáng cơ quan chức năng kiểm tra xử lý. Tại một số hộ gia đình thuộc xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, không khó để hỏi xin được một vài tấm card visit của các ông chủ chuyên thu mua lợn ốm, chết và phế thải.
Giải thích cho việc lợn ốm chết mà vẫn bán, anh L.T cho biết: “Ở thôn tôi gần như 100% các gia đình đều nuôi lợn, người thì lợn thịt, gột lợn con, người thì lợn nái đẻ... Tránh sao được chuyện ốm và chết, lợn chết và ốm mà vứt đi tiếc lắm chú ạ! Bán đi kiếm đồng nào hay đồng đó…Mấy hôm trước thú y xã có mang bản cam kết không mua bán lợn ốm, mắc bệnh nhưng chúng tôi bán giấu bán giếm đấy chứ…” - anh T. ngại ngùng nói tiếp.
Sau một hồi tâm sự về nỗi khổ, nỗi nhọc nhằn của những người nuôi lợn khi có dịch bệnh, anh T. đưa chúng tôi qua hàng xóm có 4 con lợn đang bị bệnh chờ chết. Lúc đầu ngỡ chúng tôi là... cán bộ thu y, ông H. có vẻ giấu giếm mấy con lợn đang ngắc ngoải (có con nằm bất động ở khe nhà từ tối hôm trước). Cho đến khi biết rõ khách không phải "cơ quan chức năng", ông H. mới vội vã cầm điện thoại gọi ngay cho chủ thu mua lợn ốm.
Sau đây là nguyên văn cuộc điện thoại mà PV ghi lại được:
“… T. à? Ngủ dậy chưa? Mày xuống nhà bắt cho tao mấy con lợn! To hay bé ạ?
- Độ 30 cân, gần chết rồi…
Dạo này tai xanh, tầm 25 đến 30kg chúng cháu có bán được đâu.
- Bọn mày không làm được à?
Bọn cháu bây giờ chỉ làm loại hơn 40 cân
- Chắc cũng được 40 cân, cứ đến xem nào, 3 con đấy nhé….
- Vâng, vâng…”
Sau gần 2 tiếng đồng hồ mà tay lái lợn ốm chưa đến, ông H. tỏ vẻ sốt ruột và luôn miệng nói câu: “Lại tai xanh tai đỏ rồi, chắc không ai ăn lợn quay nữa nên lợn bé không bán được đây…”. Trong khi ông H. đang lẩm bẩm thì có cú điện thoại gọi tới với nội dung: Lợn bé không bán được. Theo anh L.T, rất có thể tay lái lợn kia là người chuyên mua lợn chết, ốm rồi bán cho lò mổ ngoài thành phố chứ không mổ trực tiếp ở nhà. Cho nên khi gọi ra lò ở thành phố, chủ lò không mua mới gọi lại thông báo cho anh H.
Theo kinh nghiệm của những người nuôi lợn ở đây, nếu muốn bán lợn ốm, chết mà nhanh nhất chỉ có gọi cho những tay lái lợn mua về mà mổ tại nhà. Vì họ có tủ ướp lạnh nên to bé đều được tống cả vào, chế biến thành phẩm dần dần còn không sẽ ém hàng cho đến khi hết dịch, giá cao là xuất kho. Với tầm quan hệ và kinh nghiệm của mình, anh T. chẳng khó khăn gì đưa cho ông H. một số điện thoại "đảm bảo bán được ngay và nhanh gọn". Quả đúng, chỉ sau cuộc điện thoại khoảng 30 phút, một thanh niên với chiếc sọt khá to và cồng kềnh đỗ xịch xe tại sân nhà ông H.
Theo ghi nhận của chúng tôi, 4 con lợn bệnh khoảng 30kg hai bên ngã giá với nhau chỉ 700 nghìn. Nói chuyện với tay mua lợn ốm, chúng tôi mới thấy hết sự kinh hoàng. “Độ này tai xanh tai đỏ kiếm ăn được quá còn gì ông anh?”. Tay lái lợn thản nhiên trả lời: “Họ cấm hết các vùng dịch mạnh nên có mua được đâu, phải mua những khu vực này”. Chúng tôi hỏi tiếp: “Tai xanh tai đỏ thì ai ăn thịt lợn mà mua?. Tay lái lợn tỏ vẻ coi thường, trả lời nhanh: “Mua về thịt để tủ chứ, bao giờ hết dịch mới tung ra, chú này ngây thơ quá!”.Sau những động tác thuần thục, trong chớp mắt tay lái lợn bỏ ngon lành 4 con lợn ốm vào sọt rồi lặng lẽ mang vào thành phố...
Cái khó, cái khổ “muôn thuở” của người nông dân
Chúng tôi có dịp đến xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Đây là một xã thuần nông, ngoài cấy lúa, gần như 100% các hộ gia đình nuôi lợn. Lúc chúng tôi có mặt là thời điểm mà cả làng cả xã đang lo lắng nhất vì nguy cơ dịch lợn tai xanh có thể bùng phát. Và điều lo lắng hơn cả là khi UBND xã có cam kết đối với tất cả các hộ khi phát hiện lợn ốm chết phải báo ngay cho cơ quan chức năng giải quyết.
Ông L.T, một nông dân của xã Mỹ Hưng thật thà cho biết: “Chúng tôi nuôi nhiều thế này, kiểu gì thỉnh thoảng chẳng có con ốm con đau, cũng phải bán đi gỡ gạc được đồng nào hay đồng đó. Đấy, đang dịch thế này, giá thì rẻ, trong khi đó đầu tư giống rồi thức ăn cho nó rất nhiều! Quả này chắc chết đói cả làng mất …”. Theo sự chỉ dẫn, chúng tôi được đưa vào nhà anh L.C một trong những hộ nuôi lợn nhiều nhất nhì trong xã. Tuy nhiên, khi chúng tôi có mặt, tất cả các chuồng đều không còn bóng dáng con lợn nào. Anh C. đang loay hoay sửa lại phanh cho chiếc xe chở nước cơm, phở làm thức ăn cho lợn… Anh cho biết vừa bán hết lợn. "Chúng có hiện tượng khác khác, mình phải chịu lỗ thôi, chứ để đằng nào cũng chết…”.
Được hỏi tại sao khi đã ký cam kết mà vẫn bán lợn ốm, anh C. trả lời thật lòng: “Bây giờ chẳng nhẽ mang tiêu hủy hết? Cả nhà trông cậy vào đàn lợn, các anh cấp trên biết chắc cũng thông cảm thôi! Người làng người xóm với nhau mà…”. Một lúc sau anh nói tiếp: “Đấy, như mấy năm trước, có dịch vứt đi chẳng hết lợn chết, mang ra sông quẳng nghĩ mà thấy xót ruột”. Theo một số gia đình nuôi lợn ở thôn Quảng Minh, xã Mỹ Hưng thì một số người ở làng Đan Nhiễm, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín được họ thường xuyên gọi để "giải quyết" những con lợn ốm, thậm chí đã chết.
Bài viết cùng chuyên mục
Online | 5 |
Tổng truy cập: | 976643 |