Đó là quan điểm của nhiều đại diện Sở NN&PTNT tại Hội nghị quản lý giết mổ gia súc, gia cầm khu vực phía Bắc do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 25/7.
Chậm và yếu
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP có 4 doanh nghiệp giết mổ gia súc nằm trong quy hoạch, trong đó có 3 doanh nghiệp đang hoạt động là Minh Hiền, Foodex, Hapro. Công suất thiết kế của các cơ sở này khoảng 400 - 500 con/giờ, nhưng hiện chỉ đạt 50 - 100 con/ngày. Về giết mổ gia cầm, TP có 2 cơ sở đang hoạt động, trong đó cơ sở Minh Khai có dây chuyền hiện đại, công suất khoảng 10.000 - 15.000 con/ngày nhưng chỉ hoạt động cầm chừng. Ngoài ra, cơ sở giết mổ (CSGM) gia cầm của Công ty CP, công suất 34.000 con/ngày phục vụ xuất khẩu, nhưng hiện nay mới chỉ hoạt động khoảng 10.000 con/ngày, chủ yếu tiêu thụ trong TP. Phương pháp vận chuyển chủ yếu là xe máy, không được bao gói, không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Giống như Hà Nội, việc quy hoạch giết mổ của nhiều địa phương khu vực phía Bắc cũng yếu kém. Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), cả nước có 28.285 điểm, CSGM nhỏ lẻ. Trong đó riêng 12 tỉnh trọng điểm phía Bắc đã chiếm 11.485 điểm. Điều đáng nói là trong số đó chỉ có 929 CSGM được cơ quan thú y thực hiện kiểm soát giết mổ (KSGM), chiếm 8,05%. Như vậy, hơn 10.000 CSGM còn lại không được cơ quan thú y thực hiện KSGM. Đây là nguồn nguy cơ lớn gây lây lan dịch bệnh trên động vật và mất an toàn thực phẩm.
Ông Phạm Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Thú y nhận định, việc quy hoạch hệ thống CSGM gia súc, gia cầm tại các địa phương còn chậm. Trong số 12 tỉnh trọng điểm khu vực phía Bắc, mới chỉ có 5 tỉnh đã phê duyệt đề án tổng thể quy hoạch CSGM gia súc, gia cầm. Tại một số địa phương, các doanh nghiệp tư nhân đã xây dựng CSGM tập trung nhưng cho đến nay chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí phải đóng cửa.
Cần vào cuộc quyết liệt
Từ năm 2004 đến nay, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã có nhiều văn bản chỉ đạo về quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nhưng hầu hết các tỉnh phía Bắc đều chưa thực hiện được. Nguyên nhân là do thiếu sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương. Thậm chí có nơi còn bỏ ngỏ công tác này, dẫn đến tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm bị bệnh, làm lây lan dịch bệnh động vật và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Chính vì vậy, theo nhiều ý kiến, cần tăng trách nhiệm cho địa phương trong việc quản lý giết mổ gia súc, gia cầm. Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội nhận định, nếu chính quyền địa phương không "ra tay" sẽ khó thực hiện được. Ông Đăng nêu ví dụ, đợt dịch tai xanh vừa qua trên Ba Vì, Chi cục Thú y TP vào cuộc tích cực, nhưng chính quyền địa phương lại lơ là. Cuối cùng phải hỗ trợ tiền cho các xã mới dập được dịch.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Tân, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hà Nam kiến nghị, Nhà nước sớm ban hành văn bản pháp luật đồng bộ, có tính khả thi cao về quản lý giết mổ gia súc, gia cầm. Khi đã có văn bản pháp luật về quản lý giết mổ, cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương để thực hiện và triển khai đồng loạt. "Nếu địa phương không thực hiện tốt hoặc có sai phạm cần xử lý nghiêm người đứng đầu địa phương đó. Như vậy, hoạt động giết mổ mới sớm đi vào nền nếp", ông Tân bảy tỏ.
Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ về đất đai, thuế, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm. Đặc biệt, có sự phối hợp giữa các địa phương để quản lý chặt chẽ lưu thông động vật và sản phẩm động vật theo vùng, nhất là khu vực lân cận Hà Nội.
theo KTĐT
Bài viết cùng chuyên mục
Online | 5 |
Tổng truy cập: | 1001963 |