Không được hỗ trợ kinh phí, nhiều hộ chăn nuôi chán nản vứt vịt chết bừa bãi khắp đồng trên xóm dưới
Tự xử
Nhiều khả năng do dịch tả Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 2-8, ông Văn Đăng Kỳ, trưởng phòng dịch tễ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), cho biết ngay sau khi nhận được thông tin về hiện tượng gia cầm chết hàng loạt, số lượng lớn ở Tiên Hưng (Lục Nam, Bắc Giang), cơ quan này đã yêu cầu Cơ quan Thú y vùng 2 (tại Hải Phòng) cùng Chi cục Thú y tỉnh Bắc Giang đến trực tiếp địa bàn để kiểm tra, nắm tình hình. Ông Kỳ cho biết: “Theo ghi nhận của cán bộ thú y thuộc Cơ quan Thú y vùng 2, nhiều khả năng vịt chết là do bệnh dịch tả. Đoàn kiểm tra vẫn đang tiến hành kiểm tra, chưa có kết luận”. Ông Hoàng Đăng Luyến, chi cục trưởng Chi cục Thú y Bắc Giang, cũng chung nhận định gia cầm, chủ yếu là vịt, ở Tiên Hưng chết là do dịch tả vịt, vì qua điều tra thì thấy có triệu chứng của bệnh dịch tả vịt. Về số lượng, ông Luyến cho biết “chỉ có khoảng 1.000 con vịt của một hộ chăn nuôi”. Đ.BÌNH |
Trại vịt nhà anh Toàn nằm sát nghĩa địa của xóm. Bên một hố huyệt sâu đã cải táng là hàng ngàn con vịt bắt đầu thối rữa, ruồi nhặng bu đầy. “Nhà tôi nuôi 2.500 con vịt, nhờ ba người làm ở thú y xã tiêm phòng nhưng vẫn lăn ra chết. Cách đây nửa tháng chết mất 1.500 con, tôi có mời trạm trưởng trạm thú y của xã vào kiểm tra. Các anh ấy vào lập biên bản rồi bảo chúng tôi tự tiêu hủy. Tôi tự đi đào hố chôn vịt và đề nghị được Nhà nước hỗ trợ để tái đầu tư chăn nuôi nhưng được trả lời rằng không được hỗ trợ” - anh Toàn nói.
Gia đình ông Nguyễn Văn Đến và ông Tống Văn Quyển chung vốn nuôi đàn vịt 2.300 con cùng 500 con gà. Mặc bộ quần áo còn lấm nguyên bùn đất, ông Đến buồn bã nói: “Người ta mang gà vịt chết ở đâu về ném xuống hồ nước chúng tôi thầu để chăn nuôi khiến đàn vịt trong thôn này chết sạch. Tôi báo thú y và chính quyền xã nhưng ông trạm trưởng thú y bảo tự tiêu hủy đi”.
Không chỉ nhà ông Đến phải làm cái việc “tự đốt đến đồng vốn cuối cùng” ấy mà nhà anh Nguyễn Văn Năm (thôn Cẩm Y) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự: “Nhìn đàn vịt chết đã khổ lắm rồi, lại phải tự đi tìm để đốt nữa khiến tôi khổ tâm vô cùng. Thế mà lúc lên huyện hỏi họ lại bảo chẳng được hỗ trợ gì cả. Xã và thú y về lập biên bản nhưng họ bảo lập biên bản để gửi lên cấp trên chứ không phải để đề nghị hỗ trợ”.
Chỉ vào chỗ vịt mới chết gần 1.000 con, anh Trần Đức Toàn bảo mặc dù báo thú y nhưng họ chỉ lập biên bản và cho thuốc sát trùng rồi bảo anh tự hủy. Không được hỗ trợ đồng nào nên anh Toàn cũng chưa muốn chôn lấp.Không được hỗ trợ vì chưa công bố dịch
Dọc đường liên thôn 19, từ UBND xã Tiên Hưng vào xóm Chằm Mới là những bao tải trắng vứt đầy mương. Anh Toàn nói: “Chúng tôi đã báo chính quyền địa phương nhưng không được hỗ trợ xử lý gì. Tiếc của, chán nản nên mọi người bỏ vịt vào bao ném lung tung khắp nơi”.
Ở khu vực cống Thống Nhất, hàng chục bao tải vứt la liệt, ruồi nhặng bu đầy. Dùng con dao rạch các bao tải ra đều là gà vịt đã chết rữa, bốc mùi hôi thối nồng nặc, anh Lê Văn Dậu (thôn Cẩm Y) nói: “Bây giờ nó rữa nát ra nhiều rồi, chứ trước đây nửa tháng mùi hôi thối khắp nơi không thể nào chịu được”.
Là hộ neo đơn, nuôi con gái 1 tuổi nên có bao nhiêu vốn anh Toàn đều đổ vào trại vịt và hồ nước của đồng Rộc. “Tôi đầu tư 400 triệu đồng vào trại vịt, giờ không có tiền trả thì không biết làm sao có thể kiếm tiền nuôi con đây. Hiện nhà tôi còn nợ cửa hàng bán cám gần 70 triệu đồng mà chưa biết lấy đâu để trả”.
Không chỉ gia đình anh Toàn, ông Đến, anh Năm hay anh Dậu mà còn hàng chục hộ dân khác ở Tiên Hưng với hàng chục ngàn con gia cầm đã bị chết nhưng không được tổ chức tiêu hủy đúng cách khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của bà con nông dân.
Ông Tống Hồng Phong, trạm trưởng trạm thú y xã Tiên Hưng, cho rằng lực lượng thu y của xã đã làm hết trách nhiệm khi tổ chức lập biên bản, kiểm đếm đàn gia cầm bị chết bệnh và lập báo cáo gửi lên huyện. “Đa số hộ dân không báo cáo nên chúng tôi không nắm được việc tiêu hủy thế nào. Bây giờ người ta khai lên bao nhiêu chả được. Con số chúng tôi thống kê được chỉ có hơn 3.000 con vịt chết của hai hộ dân. Chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ tiêu hủy chứ không thể làm điều gì vượt thẩm quyền và trách nhiệm được. Nguyên tắc là bao giờ tỉnh công bố dịch thì các hộ dân mới được nhận hỗ trợ”.
Quảng Bình đã khống chế được dịch cúm gia cầm Ngày 2-8, ông Phạm Hồng Sơn, chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Bình, khẳng định tỉnh đã giải quyết xong hai ổ dịch ở Lệ Thủy và Quảng Ninh. Trên địa bàn tỉnh không phát sinh thêm ổ dịch nào khác, đặc biệt là không xảy ra dịch trên đàn gia cầm nuôi trong vườn, trong nhà. Toàn tỉnh đã tiêu hủy hơn 16.800 con vịt nhiễm bệnh, đồng thời cấp 1 triệu liều văcxin tiêm phòng dịch cho đàn gia cầm tại huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy và phun hàng ngàn lít thuốc khử trùng tại điểm dịch cũng như vùng lân cận. Trước đó ngày 17-7, UBND tỉnh Quảng Bình đã công bố dịch cúm gia cầm tại các thôn Thống Nhất, Hoành Vinh (xã An Ninh, huyện Quảng Ninh), thôn Vinh Quang (xã Sơn Thủy) và thôn An Lạc (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy). Đáng tiếc là trong thời gian mới phát hiện đàn vịt bị nhiễm bệnh ở xã An Ninh, một số người dân đã đem nhiều vịt chết vứt xuống vùng Hói Đò, xuống các kênh mương thủy lợi, đồng ruộng. Các hộ nuôi vịt khác trong vùng dịch vẫn thả rông đàn vịt trên đồng ruộng. Một số hộ lại bắt vịt và đưa trứng ra vùng không có dịch để bán... * Cùng ngày, Chi cục Thú y Quảng Bình phối với các lực lượng chức năng tổ chức tiêu hủy 536 con gà nhập lậu không qua kiểm dịch và không có nguồn gốc xuất xứ. Số gà này được ông Hoàng Thành Đồng ở xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, mua từ tỉnh Thái Bình về tập kết tại trang trại ở thôn Thanh Mỹ, xã Thanh Thủy để cung cấp cho các cơ sở giết mổ gia cầm trên địa bàn. Từ ngày 20-7, Chi cục Thú y Quảng Bình đã có thông báo tạm thời dừng nhập gia cầm và sản phẩm gia cầm vào địa bàn. |
Bài viết cùng chuyên mục
Online | 7 |
Tổng truy cập: | 1001957 |